Mac Giang

Mặc Giang Qua ngòi bút Thích Trừng Sỹ.


Hôm nay, nhân đọc được bài viết của Thích Trừng Sỹ “Mặc Giang-Chất Hoa Trong Thơ”, làm chúng con không những lấy làm xúc động về bài “Đoá Hoa Đạo Đức” của Thi Sĩ Mặc Giang mà còn thấy sự phân tích bài thơ thật tuyệt diệu của Thầy Trừng Sỹ trong tác phẩm này. Chúng con cảm thấy sự thắc mắc của chúng con được tháo gỡ, vì bấy lâu nay nghe danh Thi Sĩ Mặc Giang, nhưng không biết được Thi Sĩ là ai?
Một trong những nhân vật nổi tiếng trong nền thơ văn của VN hiện nay, ít có ai không nghe đến Thi Sĩ Mặc Giang (Thầy Thượng Toạ Thích Nhật Tân).  Một thi sĩ làm cho nền Phật giáo đi vào cuộc đời. Và nhờ Thầy đem lại ánh sáng Chánh Pháp cho nhân loại qua những vần thơ sáng tác từ giáo lý của Đức Phật.
Cũng vậy, Thích Trừng Sỹ đã dùng rất nhiều thời gian của mình viết và phân tích bút hiệu Mặc Giang và bài “Đoá Hoa Đạo Đức”. Thầy Trừng Sỹ đem lại tiếng nói chân thật của người Phật tử trong bài viết này. Chúng con xin kính cám ơn Thầy Trừng Sỹ đã không những cho chúng con tác phẩm “Mặc Giang-Chất Hoa Trong Thơ” rất hay và đầy chất liệu tâm linh này, mà còn cho chúng con tìm hiểu được ngôn ngữ Phật học qua bút hiệu Thi Sĩ Mặc Giang.  Mặc Giang là bút hiệu của một nhà Sư, đạo hiệu là Nhật Tân ( Rì Xīn). Nhật () là ngày; Tân ( Xīn) là mới. Nhật Tân có nghĩa là ngày mới. Với bút hiệu ‘Mặc Giang,’ mỗi ngày mỗi ngày mới, thi sĩ sáng tác ra nhiều bài thơ mới để cống hiến cho đời và cống hiến cho đạo. Vậy, Mặc Giang vừa là nhà thơ thời đại vừa là nhà Sư nhập thế.


        Cái hay của những vần thơ Thi Sĩ Mặc Giang sáng tác, nếu không được trình bày khéo léo qua ngòi bút của Thích Trừng Sỹ thì chúng con cũng không hiểu biết được nhiều về những lời dạy của Thế Tôn.  Thích Trừng Sỹ là một vị Thiền Sư nên đã có những tư tưởng tuyệt vời với thơ Mặc Giang bằng con mắt thiền quán qua những câu sau đây: Nhìn sự thật của sự vật bằng con mắt thiền quán, theo ý nghĩa tu tập, chúng ta biết rất rõ trong rác có hoa, trong phiền não có Bồ đề, trong khổ đau có hạnh phúc…Ngược lại, theo ý nghĩa không tu tập, trong hoa có rác, trong Bồ đề có phiền não, trong hạnh phúc có khổ đau…  

        Theo như kinh nghiệm bản thân, thông thường khi xem thơ thì chúng con chỉ đọc lướt qua và thích vần điệu của thơ mà thôi. Đôi khi học thuộc những bài mà mình thích chứ không tìm hiểu kỹ ý nghĩa thật sự của thơ. Nay nhờ đọc được tác phẩm của Thích Trừng Sỹ, chúng con cảm thấy thơ của Mặc Giang không những mang đậm tính chất thiền mà còn dạy cho thế hệ tương lai nhiều điều hay và lợi ích trong đời sống hàng ngày.
        Chúng con lấy làm hãnh diện đã có một Thi Sĩ Mặc Giang, một thi nhân viết nhiều bài thơ hay và giáo dục như vậy. Như Thích Trừng Sỹ đã đề cập tới thơ Mặc Giang là có liên hệ đến sự tu tập của hành giả. Vậy, thơ của Thi Sĩ Mặc Giang không phải là chỉ đọc cho vui mà là còn là một bài học cho những ai đang thực tập giáo lý của của đức Thế Tôn. Như Thích Trừng Sỹ đã viết : Quá trình tu tập giỏi là quá trình ôm ấp, nhận diện và chuyển hóa tâm hành bất thiện thành tâm hành thiện. Trong suốt cả cuộc đời, nhiệm vụ cao thượng của chúng ta là tu tập giải thoát các ràng buộc, là nuôi dưỡng lòng từ bi đối với mọi loài và mọi người và là chuyển hóa những bước đi, cử chỉ, lời nói, ý nghĩ và việc làm của chúng ta cho thuần thục, thuần tịnh và thuần lạc để đem lại an lạc và hạnh phúc cho số đông.
        Cái hay của bài Đoá Hoa Đạo Đức (Mặc Giang), được ngòi bút khéo léo của Thích Trừng Sỹ diễn đạt thật chi tiết và còn cho chúng con hiểu được lý vô thường của sự vật. Chúng ta biết hoa được làm bằng phấn sáp, dầu thơm, nước hoa…, hoa mau tàn phai và biến đổi. Hoa được làm bằng phân, rác, không khí, ánh sáng mặt trời, nhân công…, hoa bị vô thường chi phối. Nhưng hoa được làm bằng đạo đức ta gọi là hoa đạo đức, không bị vô thường chi phối; hoa được làm bằng sự tu tập, bằng uy nghi tế hạnh, bằng sự thực tập chánh niệm và tỉnh giác…không bị vô thường chi phối, vượt thoát thời gian và không gian, chất liệu của nó rất vững chãi và thảnh thơi đối với hành giả an lạc và giải thoát.
          Chính vì vậy, Thi Sĩ Mặc Giang đã ca ngợi chỉ có Đoá Hoa Đạo Đức thì mới bền lâu:
“Đóa hoa đạo đức mỗi con người
Thân thiện hòa vang, kết đẹp tươi
Tiến bước trên con đường Tứ Thánh
Đóa hoa đạo đức mỉm môi cười.”
        Và chỉ có cái nhìn sâu sắc như vậy thì cuộc đời mới thêm hạnh phúc và giải thoát như Thích Trừng Sỹ đã kết luận như sau :
Tóm lại, qua những gì được đề cập ở trên, mỗi chúng ta là một bông hoa đạo đức, mỗi chúng ta là một đóa hoa từ bi, mỗi chúng ta là một thi si Mặc Giang và mỗi chúng ta là một thầy Nhật Tân để mỗi ngày chúng ta có thể hiến tặng một câu thơ, một đoạn thơ, một bài thơ và nhiều hơn nữa cho quê hương, cho đạo Pháp, cho dân tộc, cho mình, cho người và cho tất cả. Để kết thúc bài viết này, tác giả tập làm một vài câu thơ để biếu tặng quý vị xem nó dưới đây cho dzui.



Hoa đạo đức thấm nhuần trong tâm trí,
Hoa từ bi thấm đượm cả non sông.
Mỗi chúng ta là mỗi nhà thi sĩ,
Tặng cho đời những hoa trái thơm ngon.
Dù mai đây xa cách vạn dặm đường,
Chúng ta mãi là người con của Bụt,
Đem ánh sáng từ bi cho đạo Pháp
Đem tình thương trang trải khắp muôn phương.  
                Dù gian lao cực khổ biết dường nào,    
           Nhưng vững chãi là vượt qua tất cả.”


        Cái nét đẹp trong bài viết “Mặc Giang - Chất Hoa Trong Thơ” của Thích Trừng Sỹ, chính là sự liên kết chặt chẽ của những lý luận trong Thiền quán và tư tưởng nhận diện ra được tâm hành trong con người.  Chỉ có những vị tu sĩ, thiền sư mới có cái nhìn thật sâu sắc và chân thật như vậy.

        Chúng con cũng rất vui và mừng cho thế hệ trẻ ngày nay vẫn còn có những bậc Thiện Tri Thức dìu dắt chúng con trên con đường hướng thiện và tu tập theo Giáo Pháp của Đức Thế Tôn trong đời ngũ trược này. Vì, Đức Thế Tôn đã từng nói: “ Phật Pháp khó nghe”, nhưng nay chúng con may mắn đã có những vần thơ, bài viết để diễn đạt lại giáo lý vi diệu của Đức Thế Tôn. Chúng con thành kính cám ơn Thi Sĩ Mặc Giang, Thích Trừng Sỹ và những vị khác đã, đang và sẽ truyền lại giáo lý của Thế Tôn toả sáng mãi mãi.

Tâm Xuân